Với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ ngày nay, việc đặt phòng khách sạn không còn là vấn đề nan giải đối với nhiều người khi đi du lịch. Chỉ cần vài thao tác nhỏ, bạn đã có thể tìm và đặt được phòng theo ý muốn, mà không cần mất thì giờ cho những thủ tục rườm rà như phương cách đặt phòng khách sạn truyền thống.
Việc thanh toán cũng trở nên dễ dàng và tiện lợi hơn. Tuy nhiên, hiện đại quá đôi khi cũng là một con “dao hai lưỡi”, không đơn giản chỉ là bấm nút xác nhận và chuyển tiền, bạn cũng cần chú ý cẩn thận khi thanh toán tiền phòng khách sạn qua mạng nhé!
Lưu lại ngay những mẹo siêu hữu ích khi thanh toán tiền phòng nếu đặt phòng khách sạn trực tuyến dưới đây nhé!
1. Đọc kỹ chính sách khi hủy phòng của khách sạn
Việc gì cũng vậy, những quy định, chính sách luôn được xem những “bộ luật” bất di bất dịch, bảo vệ quyền lợi của đôi bên khi gặp phải bất kỳ vấn đề, trục trặc nào. Đừng dại dột, vội vàng gì click vào chữ “Book now” hay “Đặt phòng” mà quên không đọc những chính sách quan trọng khi hủy phòng bạn nhé!
“Phép vua thua lệ làng”, mỗi khách sạn sẽ có các chính sách khác nhau, vì vậy trước khi bấm đặt phòng khách sạn, hãy chắc chắn bạn không bỏ sót bất kỳ thông tin vào về quy định hủy phòng. Thông thường, phía khách sạn sẽ yêu cầu bạn phải thông báo ít nhất trước 24 giờ thì mới không mất một khoản tiền phạt. Tuy nhiên, cũng có những khách sạn hay resort yêu cầu thông tin trước 48 giờ đến 72 giờ và thậm chí là cả tuần (nhất là trong mùa cao điểm).
Nếu bạn đặt qua một kênh thứ ba như các website chuyên về đặt phòng khách sạn như Agoda, Booking, Hotels… họ sẽ có những điều khoản hủy chỗ riêng cho từng khách sạn và bạn nhất định nên bỏ thời gian xem qua. Tóm lại, tốt là nên đọc rõ những chính sách hủy phòng trước khi đặt phòng.
2. Kiểm tra về tổng khoản phí mà bạn phải thanh toán cho khách sạn
Ngay bên dưới phần quy định về đặt và hủy phòng, bạn thường thấy thông tin về khách sạn sẽ thu của bạn bao nhiêu tiền. Nhiều khách sạn sẽ chỉ nhận trước 50% giá phòng và 50% còn lại sẽ được tính khi bạn check-in. Nhưng cũng có nhiều khách sạn tính luôn 100% tiền phòng.
Đối với các khách sạn 4 hoặc 5 sao, khi check-in họ cũng yêu cầu bạn cho mượn số thẻ tín dụng (credit card) để deposit (đặt cọc) hoặc thu trước khi bạn check-in 100 USĐ (khoảng 2 triệu) một ngày từ thẻ của bạn. Việc này để tránh trường hợp các du khách sử dụng quầy bar mini mà “quên” thanh toán hay “lấy nhầm” một số thứ không được phép trong phòng. Tất nhiên bạn cứ an tâm rằng khi không sử dụng bất cứ thứ gì khi lưu trú, họ sẽ trả ngược vào lại tài khoản của bạn khi check-out.
3. Lưu ý khi thanh toán bằng thẻ
Debit card là loại thẻ ghi nợ mà bạn nộp bao nhiêu vào thì sẽ được sử dụng chừng ấy. Khi sử dụng thẻ này để đặt phòng và thanh toán, hãy chắc chắn bạn đã nộp vào từ đủ đến dư số tiền cần thiết để trả chi phí phòng và cả tiền đặt cọc.
Các khách sạn nếu thu tiền đặt cọc của bạn trước khi check in thì sau khi bạn check out họ sẽ mất vài ngày để có thể hoàn trả số tiền này vào tài khoản. Do vậy, bạn sẽ không thể dùng số tiền được hoàn lại trong thời gian ấy.
Bên cạnh đó, hãy chắc chắn bạn có mang theo ít nhất một tấm thẻ khi đi du lịch, vì khi đặt phòng qua các website như Booking, Agoda, Traveloka…, thường bạn sẽ phải trả 100% tiền phòng và khi check in khách sạn, họ mới yêu cầu bạn cho mượn thẻ tín dụng (credit card).
4. Đối chiếu các khoản phí sau khi thanh toán với thông tin trên tài khoản
Khách sạn thi thoảng cũng gặp phải lỗi trong việc tính toán và khi bạn check out, nên nhìn kỹ tờ chi phí yêu cầu thanh toán (trường hợp bạn có sử dụng mini bar hay một số dịch vụ có tính tiền trong khách sạn). Nếu bạn không kiểm tra kỹ và khách sạn lỡ tính gấp đôi số lượng bạn đã dùng, thẻ tín dụng cũng sẽ bị trừ đúng số tiền đó.
Ngoài ra, bạn nên kiểm tra tài khoản ngân hàng sau khi thanh toán, để chắc chắn khách sạn đã thu đúng số tiền mà bạn cần trả.
Không phủ nhận những đóng góp to lớn mà Internet đã mang lại cho dịch vụ đặt phòng qua mạng, nhưng khi thực hiện thanh toán, bạn cũng cần phải cẩn thận “tiền mất mà tật mang”. Chúc bạn có những chuyến du lịch vui vẻ.